Monday, October 14, 2013

Kỹ thuật nhân giống ổi


Kỹ thuật nhân giống ổi

Là loài cây nhiệt đới thuộc nhóm thân gỗ sống dai (thân mộc lưu niên), ổi được trồng phổ biến trên khắp mọi miền đất nước ta từ lâu đời. Qua chọn lọc nhân tạo cho ra nhiều giống ổi quý như ổi mỡ, ổi trâu, ổi tầu, ổi Bo... được nhiều người mến mộ.

Là thành phần của khu hệ sinh thái khép kín (VAC) và còn là cây cảnh (như ổi tầu) cho dáng đẹp (bon sai khi trồng trong bồn chậu) hoa đẹp và thơm thuộc loại bon sai có hoa quả, nên ổi ngày càng được trồng nhiều, ít đòi hỏi chủ nhân chăm sóc, bởi thích nghi cao, chịu đựng tốt với bất lợi của ngoại cảnh (môi trường sống).

Nhân giống ổi rất dễ dàng bằng cả hai cách: Sinh sản hữu tính và vô tính.

Nhân hữu tính bằng lấy hạt từ những quả chín tự nhiên (chín cây) từ cây mẹ dãi nắng có tuổi từ 5 – 15 năm (đang sung sức). Chọn những quả to, nây đều rồi bổ, nạo hạt đem xát bỏ vỏ nhầy bọc ngoài đem phơi dưới nắng nhẹ cho khô giòn rồi bảo quản nơi kín và khô đảm bảo được tỷ lệ nảy mầm cao (tới trên 90%) sau 1 – 2 năm.

Gieo vào đầu xuân, tới giữa mùa hạ khi cây giống cao từ 15 – 20cm hãy ươm tiếp trên nền đất mầu, cao ráo và thường xuyên ẩm sau 1 – 2 tháng rồi mới ra ngôi (định vị) gốc cách gốc tối thiểu 4m (trung bình 4,5 – 5m) để trưởng thành khép tán không xảy ra cạnh tranh sinh tồn (cây chạm lá). Chỉ sau 3 –4 năm là bói, cây gieo từ hạt có tuổi thọ rất cao (từ hàng chục đến hàng trăm năm). 

Kỹ thuật nhân giống ổi

Ổi được trồng phổ biến


Nhân vô tính chủ yếu bằng chiết cành vào mùa nóng ẩm khi cây phát nhựa. Chọn những cành "bánh tẻ" (có mầu vỏ trung gian gốc–ngọn, chưa hóa bần "xù xì") ở cây mẹ đã bói để khoanh bóc vỏ, cạo sạch "tơ" (là mô phân sinh – tượng tầng) để tránh "dẫn thủy liền sẹo" rồi để ráo nhựa, hình thành mô sẹo sau 3 –5 ngày mới bọc đất, bó bầu. Đây là kinh nghiệm quý của bà con nông dân ở những vùng thâm canh ổi như Bo ở Thái Bình. Nên chọn những cành dãi nắng (lộ sáng) phát ra ở hướng đông đến nam được hưởng vi khí hậu tối ưu thì vỏ dầy chứa nhiều nhựa sống, sớm phát nhanh và nhiều rễ. Sau 3 –4 tháng khi thấy rễ thứ cấp mang lông hút lan tỏa như tơ nhện ở ngoại vi bầu là ta cắt cành hạ thổ. Trồng ổi bằng chiết (hoặc giâm, cấy mô v.v... nếu có đủ điều kiện kích thích mô phân sinh phát rễ) thì "chóng ăn" nhưng cũng "chóng tàn" vì tuổi cây giống tiếp theo tuổi của cây mẹ mà thôi, sớm cỗi (thoái hóa). Đây là biện pháp bổ sung nhanh cho vườn để sớm thu hoạch.

Ổi không kén đất, rất kỵ với các loại phân hóa học (nhất là đạm vì gây tốt lá xấu hoa vống bỡi và hấp dẫn dịch hại). Nếu thiếu phân hữu cơ, có thể bổ sung NPK vi sinh tỷ lệ 10% trên tổng số và 5 – 7% xỉ than, 3 – 5 vôi tả (vôi con kiến) hoặc vữa hả v.v... để nâng cao năng suất và phẩm chất. Ưa dãi nắng và đất thường xuyên "mát tay" (ẩm độ đất nền cho phép dao động từ 60 – 80% ẩm độ bão hòa tức ẩm độ đồng ruộng). Khi cây trên chục năm tuổi thân, gốc hóa bần (vỏ xù xì tự bong) thì quét nước vôi bão hòa để phòng trừ sâu bệnh và tăng phản xạ ánh sáng giúp các cành la quang hợp tốt .

Nguồn: Rau quả Việt Nam

0 comments:

Post a Comment